THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN TUẦN 1 THÁNG 4
Các hoạt động, sự kiện trong tháng 4
1. Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch)
Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam từ bao đời nay đã hình thành trong tâm thức của mình: Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi người đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, Nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá với thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
2. Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907-07/4/2022)
Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 07/4/1907 ở làng Bích La, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ một gia đình lao động, có truyền thống yêu nước, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường cách mạng vô sản. Đồng chí Lê Duẩn tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926, tham gia và hoạt động trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên từ năm 1928, đến năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Có mặt trong đội ngũ những người cộng sản ngay từ khi Đảng mới ra đời, với gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 26 năm trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn thể hiện rõ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhà lý luận xuất sắc, có tầm cỡ chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư Lê Duẩn là người thảo ra “Đề cương cách mạng miền Nam”, sau đó được Hội nghị Trung ương lần thứ 15, khóa II thông qua. Từ bản Đề cương này, hàng loạt phong trào đấu tranh nổ ra, mở đường cho cuộc chiến chống bọn xâm lược Mỹ và ngụy quyền tay sai ở miền Nam, dẫn đến thắng lợi ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: “Phẩm chất cách mạng cao quý của đồng chí được thể hiện ở tinh thần cách mạng tiến công không ngừng. Bất chấp mọi thử thách của nhà tù đế quốc, của cuộc sống gian khổ kéo dài ở các chiến khu, cũng như những năm tháng hoạt động trong vùng địch tạm kiểm soát, đồng chí luôn luôn nêu cao nghị lực kiên cường, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân”.
3. Kinh tế - xã hội quý I năm 2022 khởi sắc, GDP tăng 5,03%
Tăng trưởng GDP vượt mốc 5% và tăng dần qua các quý cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi và những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I/2020.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 10,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là 11,61%; 36,61%; 42,38%; 9,40%).
Về sử dụng GDP quý I/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,08%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,20%.
7 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới
Tuy kết quả GDP 3 tháng đầu năm tích cực nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của cùng kỳ năm 2019. Cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là thách thức lớn trong bối cảnh tình hình quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đề xuất 7 giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong những tháng còn lại của năm.
Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023; đặc biệt bảo đảm giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công được giao, tạo động lực thúc đẩy kinh tế.
Hai là, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
Ba là, thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên nhiên vật liệu trong nước.
Bốn là, đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Năm là, khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh đón mùa du lịch sắp tới.
Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa các doanh nghiệp.
Bảy là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm.
4. Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang được công khai, minh bạch
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc thành lập Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang (gọi tắt là Ban vận động tỉnh), Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban vận động tỉnh, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang; đồng thời xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban vận động tỉnh về tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang. Qua đó, Ban vận động tỉnh đã mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước Việt Nam tỉnh và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước để tiếp nhận ủng hộ Quỹ bằng hình thức chuyển khoản của các tổ chức, cá nhân, đóng góp ủng hộ Quỹ. Việc mở tài khoản tại ngân hàng thương mại cổ phần được Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện đúng theo Điều 9, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, bệnh dịch, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (thay thế Nghị định 64/2008-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ), hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Quy chế hoạt động Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.
Qua 02 đợt phát động, Quỹ Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh An Giang đã tiếp nhận số tiền 64 tỷ 549 triệu đồng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp. Từ số tiền ủng hộ này, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh báo cáo xin ý kiến và được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chấp thuận bằng văn bản chi hỗ trợ tiền mua vật tư y tế; hỗ trợ; thăm hỏi lực lượng tuyến đầu, khu vực biên giới tham gia phòng, chống dịch; hỗ trợ cho người dân ở nước bạn Campuchia, Lào, Hội Việt Kiều ở Campuchia và hỗ trợ cho người dân ở một số tỉnh; thăm hỏi hỗ trợ các cơ sở cách ly, khu điều trị F0; hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi bệnh COVID-19. Đến nay, đã chi hỗ trợ 43 tỷ 98 triệu đồng.
Hiện Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh còn tồn số tiền 20 tỷ 568 triệu đồng được gửi tại Kho bạc Nhà nước tỉnh và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước (trong thời gian chưa có kế hoạch chi và chờ đợi xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh COVID-19 tỉnh và ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy). Tiền lãi phát sinh trong thời gian gửi ngân hàng là 650 triệu 264 ngàn đồng. Các phát sinh tiền lãi quá trình gửi tại ngân hàng được theo dõi sổ sách, đối chiếu định kỳ và báo cáo hàng tháng. Việc quản lý thu, chi Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh được theo dõi quản lý chặt chẽ, công khai rõ ràng, minh bạch đúng theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP, hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Quy chế hoạt động của Ban vận động tỉnh, theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tỉnh còn diễn biến phức tạp, chưa dự báo được thời gian nào kết thúc; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh vẫn chưa tổng kết, do đó, Quỹ Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh vẫn tiếp tục duy trì, quản lý trong hệ thống kho bạc và hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước nhằm mục đích duy trì và phát triển nguồn lực phục vụ tích cực công tác phòng, chống dịch. Dự kiến trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ báo cáo và tiếp tục xin ý kiến trong Ban vận động Quỹ tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy về việc tiếp tục chi hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh, kể cả tiền lãi phát sinh từ tiền gửi và thực hiện theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh COVID-19 tỉnh.
5. Cách chuẩn bị hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
Ngày 28/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu vực: Khu công nghiệp; khu chế xuất; khu vực kinh tế trọng điểm (gồm khu kinh tế và 24 tỉnh, thành thuộc 04 vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có tỉnh An Giang).
Để chuẩn bị hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà người lao động cần tiến hành các trình tự, thủ tục cụ thể dưới đây.
Theo Quyết định người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp hoặc quay trở lại thị trường lao động được nhận hỗ trợ từ 1,5-3 triệu đồng trong 3 tháng.
Quyết định cũng nêu rõ hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm: Danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp trong danh sách có người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động mới được tuyển dụng thì bổ sung thêm bản sao danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị.
Về trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện chủ yếu tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thời gian từ lúc Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động là 4 ngày.
Trình tự, thủ tục cụ thể như sau: Người sử dụng lao động tổng hợp danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động, niêm yết công khai tại nơi làm việc ít nhất 03 ngày làm việc. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực thông tin của người lao động.
Sau đó, người sử dụng lao động gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội (thời gian xử lý của cơ quan bảo hiểm xã hội là 2 ngày). Người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ và chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ (thời gian xử lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện là 2 ngày, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là 2 ngày).
Người sử dụng lao động chi trả cho người lao động trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ.
6. Cảnh giác chiêu lừa tuyển cộng tác viên bán hàng online
Hiện nay, nhiều người dân bị sập bẫy lừa đảo từ hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online. Nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.
Theo cơ quan điều tra, thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… và đăng tải thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên bán hàng online trên mạng xã hội. Sau đó các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước cho công ty sau đó sẽ nhận lại được tiền gốc cộng thêm chiết khấu.
“Mồi nhử” mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn như với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%... Nhiều người do không nhận thức được các chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng đã đăng ký làm cộng tác viên bán hàng. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền cho công ty, cộng tác viên sẽ không nhận được lại tiền.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, cơ quan chức năng đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Khi phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
PHÒNG TUYÊN TRUYỀN
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY